Ảnh hưởng của thiêu vitamin D đối với xương và cơ thể

 

Vitamin D là một hormone có cấu trúc steroid giữ một chức năng quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển của cơ thể và kéo dài suốt đời. Trên thực tế nhiều nghiên cứu dịch tễ học cho thấy tỷ lệ thiếu hụt vitamin D đang gia tăng trên khắp thế giới. Sự thiếu hụt vitamin D trong cơ thể biểu hiện khi nồng độ 25- hydroxy vitamin D huyết thanh dưới 25mml/L. Trước đây, vai trò của vitamin D được biết tới là yếu tố giữ cân bằng calci nội mô, tham gia vào quá trình tạo xương và góp phần làm tăng cường sức khỏe của gân cơ. Vì vậy, sự thiếu hụt vitamin D có liên quan đến các bệnh về xương như còi xương, nhuyễn xương, loãng xương. Gần đây, các nghiên cứu về vitamin D ngày càng nhiều và sự thiếu hụt vitamin D trong cơ thể không chỉ ảnh hưởng đối với xương mà còn là yếu tố nguy cơ đối với các bệnh của các tổ chức ngoài xương như tim mạch, bệnh tiểu đường, rối loạn miễn dịch, rối loạn tâm thần, bệnh ung thư…

Trong cơ thể, vitamin D được tạo ra bởi sự chuyển hóa tiền vitamin D trong da nhờ quá trình tiếp xúc với bức xạ tia cực tím phát ra từ ánh sáng mặt trời, một phần khác được hấp thu từ các nguồn thực phẩm (từ 100 đến 200 IU mỗi ngày). Vitamin D được chuyển đổi tại gan thành 25- hydroxyvitamin D (25(OH)D3) lưu thông trong máu và được chuyển đổi thành dạng hoạt động của vitamin D là 25-dihydroxyvitamin D, được tạo ra chủ yếu ở thận, lưu thông trong máu với nồng độ thấp hơn so với 25-dihydroxyvitamin D nhưng có ái lực lớn hơn nhiều đối với các thụ thể vitamin D và có tác dụng sinh học mạnh hơn. Hiện nay, nồng độ 25-dihydroxy vitamin D đo được trong huyết thanh phản ánh tình trạng vitamin D thực tế của mỗi cá nhân.

Quá trình tổng hợp vitamin D phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và quá trình chuyển hóa vitamin D trong cơ thể. Vì vậy nồng độ 25-dihydroxy vitamin D phụ thuộc rất nhiều yếu tố như tập quán, thói quen ăn uống, vị trí địa lý, thời tiết, môi trường và tình trạng nội tiết, tình trạng bệnh tật của từng cá thể.

 

 

Thiếu hụt vitamin D và hệ vận động.

Ở xương, vitamin D đóng vai trò quan trọng cho quá trình khoáng hóa xương. Sự thiếu hụt vitamin D là nguyên nhân gây còi xương, nhuyễn xương, bệnh loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương. Theo báo cáo Ottawa tập hợp từ 15 nghiên cứu khác nhau đã kết luận có mối liên quan giữa nồng độ 25-dihydroxy vitamin D với tỷ lệ gãy xương do bệnh loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi. Trong một nghiên cứu ở những người nam giới cao tuổi, người ta nhận thấy có mối liên quan giữa nồng độ 25-dihydroxy vitamin D huyết thanh dưới 20 mnol/L với nguy cơ gãy cổ xương đùi và tỷ lệ gãy xương cao hơn có ý nghĩa so với nhóm chứng.

Trong các tế bào cơ có chứa các receptor đặc biệt đối với vitamin D giúp cho cơ chắc, khỏe. Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra: ở những người phụ nữ cao tuổi có nồng độ 25-dihydroxy vitamin D cao trên 30 mmol/L thường có cơ chắc khỏe và tỷ lệ ngã ít hơn so với nhóm chứng. Trong một nghiên cứu khác các tác giả nhận thấy việc bổ sung một liều 400 IU vitamin D mỗi ngày cho những người cao tuổi làm cải thiện dáng đi, tốc độ và làm giảm mức độ lắc lư cơ thể.

Sự thiếu hụt vitamin D là một trong các nguyên nhân làm khởi động chứng đau lưng vùng thấp. Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy việc điều trị cải thiện sự thiếu hụt vitamin D đã làm giảm đáng kể số bệnh nhân cao tuổi bị đau cột sống thắt lưng.

 

 

Thiếu vitamin D và một số bệnh mạn tính khác.

Nhiều nghiên cứu quan sát trong những quần thể dân cư lớn đã cho thấy các mối liên quan có ý nghĩa giữa các mức thấp của 25-dihydroxy vitamin D huyết thanh (dưới 20 ng/ml) với tăng nguy cơ mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa, rối loạn miễn dịch, bệnh ung thư, xơ cứng rải rác … trong đó có hai bệnh thường kết hợp với các mức độ thiếu hụt của vitamin D là bệnh xơ vữa động mạch và bệnh tiểu đường.

Trên hệ tim mạch, nhiều nghiên cứu đã cho thấy ở những người có tiền sử ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi còn nhỏ và trong độ tuổi đang phát triển, thì có lỷ lệ mắc các biến cố trên tim mạch cao hơn khi có tuổi. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nồng độ 25-dihydroxy vitamin D huyết thanh dưới 20ng/ml có liên quan với tăng nguy cơ các bệnh tim mạch. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy sự giảm vitamin D kéo dài trong khẩu phần ăn có liên quan chặt với các biến cố tim mạch nặng ở người cao tuổi. Nhiều nghiên cứu và các dữ liệu lâm sàng cho thấy quá trình chuyển hóa vitamin D có ảnh hưởng đến huyết áp động mạch. Với liều bổ xung 800 UL vitamin D mỗi ngày kết hợp với bổ xung canxi có thể làm giảm huyết áp tối đa ở những người phụ nữ cao tuổi có bệnh tăng huyết áp.

Đối với các đáp ứng miễn dịch, dạng hoạt động 1,25 (OH) vitamin D làm ức chế quá trình gây rối loạn miễn dịch trong cơ thể. Các bệnh có liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể rất đa dạng và có mối liên quan chặt với nồng độ vitamin D. Giảm vitamin D góp phần thúc đẩy phát triển các bệnh miễn dịch như bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh đái tháo đường type I, bệnh viêm khớp dạng thấp, các bệnh tạo keo… Nồng độ vitamin D trong máu giảm làm cho cơ thể giảm khả năng chống đỡ với các tác nhân bên ngoài, làm tăng nguy cơ nhiễm các bệnh do vi khuẩn và virus gây nên như nhiễm lao, nhiễm cúm…

Vitamin D làm ức chế sự tăng sinh tế bào trong khối u ác tính, làm giảm sự tăng sinh mạch máu xung quanh khối u. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nồng độ vitamin D có liên quan với nguy cơ gây ung thư thực quản ở nam giới. Một nghiên cứu khách đã cho thấy lượng vitamin D cao trong khẩu phần ăn có thể làm giảm  tất cả các nguy cơ ung thư ở phụ nữ tuổi sau mãn kinh, đặc biệt là với nguy cơ ung thư vú.

Từ những nghiên cứu trên đây có thể thấy nồng độ vitamin D không chỉ ảnh hưởng đối với hoạt động chuyển hóa xương mà còn rất quan trọng trong việc duy trì các hoạt động chức năng bình thường cho nhiều cơ quan trong cơ thể.

 

TS. BS Đặng Hồng Hoa - Bệnh viện E

Tin tức khác